Lamy 2000 – Một Cây Bút & Một Biểu Tượng
Thật khó để viết thêm về Lamy 2000 – cây bút đã băng rừng vượt sóng khắp năm châu bốn bể để tạo dựng một biểu tượng, mang vị thế độc tôn trong thế giới bút mực ngày nay. Nó là cây bút được review & comment nhiều nhất trên thế giới. Vị thế độc tôn của Lamy 2000 có thể khái quát ngắn gọn trong ba yếu tố cơ bản. 1. THIẾT KẾ Trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ, gần hơn là thiết kế logo, điều mà một người thiết kế non nghề bán cho khách hàng đơn giản chỉ là “mẩu thiết kế”. Cái giá khách hàng trả cho mẩu thiết kế hiếm bao giờ vượt quá $500. Nhưng một nhà thiết kế lão luyện sẽ không bán mẩu thiết kế, mà bán “câu chuyện” đằng sau mẩu thiết kế đó. Một câu chuyện hay đáng giá gấp trăm lần một mẩu thiết kế đẹp. Đây chính là giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Trở lại câu chuyện thiết kế của Lamy 2000. Đã từng có bài viết 15 ngàn từ (tương đương 30 trang A4 một mặt) diễn giải nguồn gốc xa xưa về mặt tạo hình, mà từ đó Lamy 2000 được sáng tạo, tái sáng tạo, và tiếp tục hoàn thiện cho đến ngày hôm nay. Một câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ. Nhưng quan trọng hơn là mang tính thuyết phục. Lamy 2000 là cây bút hiếm hoi có sức sống vô cùng mãnh liệt. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1966, và vẫn đang được sản xuất đến thời điểm hiện tại (năm 2015) Lamy 2000 đã có năm thập kỷ “tàn sát” giấy mực khắp toàn cầu. Với những ai yêu vẻ đẹp tối giản, Lamy 2000 không còn điều gì khác ngoài vẻ đẹp tối giản. Tiết chế tối đa ở cả màu sắc và hình thức, như một kiểu ẩn mình để lộng lẫy, Lamy 2000 là cây bút thực sự thu hút.
2. CHẤT LIỆU Tổng trọng lượng 25g (thân 15g, nắp 10g) với hai chất liệu cấu tạo chính là Thép & Makrolon, Lamy 2000 phiên bản trong hình khá cân bằng khi cầm trên tay. Khi bắt đầu tìm hiểu về Lamy 2000, tôi bị kích thích mạnh bởi từ “Makrolon” suốt nhiều ngày liền. Xin phép không trình bày thêm về Makrolon ở đây, vì không muốn lấy đi niềm vui khám phá của bạn. Nhìn bên ngoài khi đóng nắp, Lamy 2000 phiên bản Makrolon được mài xước đến 99%. Chi tiết duy nhất không mài xước là phần đỉnh nắp đen bóng. Giắt cài bút bằng thép mài xước, không có gì đặc biệt, ngoại trừ chi tiết đáng giá là bạn có thể bấm nhẹ vào phần đỉnh để tạo kẽ hở. Khi cài bút vào bao da loại dày, chi tiết này sẽ phát huy tác dụng. Nó không phải dạng vừa đâu nhé. Nó dạng rộng, để đưa vào/rút ra dễ dàng hơn. Chính sự mài xước kết hợp với hình dáng “không giống ai” đã góp phần biến Lamy 2000 trở thành cây bút mang tính biểu tượng, được nhận dạng và định danh ngay khi nhìn thấy. Cho dù bạn đang ở London, NewYork, Tokyo, hay Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Cũng kể thêm rằng, trong một quán café dành cho dân freelance, khi Lamy 2000 đang bay nhảy trên tay tôi thì bất ngờ một anh bạn nước ngoài tiến tới làm quen. Bất ngờ thứ hai là anh ấy cũng có một Lamy 2000. Tôi thầm mong đó chính là anh chàng Lamy’s fan huyền thoại của chúng ta. Nhưng đời nào SaiGon – Berlin lại gần nhau như thế. Hai người đàn ông, hai cây bút mực, hai nửa bán cầu. Lạc lõng nhưng không lạc loài, giữa khung cảnh ngập tràn chuột và bàn phím.
Dưới ngọn đèn khuya nửa đêm về sáng, đưa tay lần chạm vào những đường mài xước chạy dọc theo thân bút khiến tôi chợt nhớ đến tấm lưng năm nào. Từng đường gân, từng mạch máu, từng nhịp đập. Thật mê đắm khi vuốt ve, thật dễ chịu khi mơn trớn, và thật nhớ nhung khi phải rời xa. Tấm lưng năm xưa giờ là ảo ảnh, chỉ còn ký ức vẫn thơm lành như sương mai. Có lẽ, ngoài kiểu dáng khác lạ, tiếng vang của Lamy 2000 trong giới bút mực còn đến từ những tranh luận cho rằng chất lượng ngòi bút không đồng nhất. Với người chơi bút lâu năm, ngòi vàng 14k hẳn nhiên không mang nhiều ý nghĩa. Và với người không chơi bút, như tôi chẳng hạn, ngòi vàng 14k cũng chẳng mang đến một chút ý nghĩa nào. May mắn làm sao, cây bút của tôi mực vẫn xuống đều, như trái chín thì rụng, đàn bà chín thì run. Nhân đây, xin dành vài dòng nói thêm về sự khác biệt giữa cỡ ngòi phương Tây và phương Đông. Cỡ ngòi phương Đông (đại diện là Nhật với Pilot, Sailor…) thường nhỏ hơn cỡ ngòi phương Tây (đại diện là Đức với Lamy, Pelikan…) là điều ai cũng biết. Nhưng vì sao nhỏ hơn thì tôi lại không thể tìm thấy câu trả lời. Từ kinh nghiệm học ngoại ngữ của bản thân, tôi tạm trả lời cho câu hỏi đó như sau: ký tự tiếng Nhật gần như tương đồng với ký tự tiếng Trung, một dạng chữ tượng hình. Đối với ký tự la tinh như a, b, c… chúng ta chỉ cần đơn vị chiều cao một ô-li cũng có thể “gói ghém” thành từ. Nhưng với tiếng Nhật, viết với chiều cao một ô-li là khóc ra tiếng Somali. Tôi đã nhờ Niwa, một người bạn Nhật viết thử dòng chữ “Chào mừng đến với hội Bút – Mực – Giấy”, thì ngay lập tức nhận được câu trả lời: “Mày kêu tao leo lên đỉnh núi Phú Sĩ cao 3.776 mét còn dễ hơn đó ku”. 3. HOÀN THIỆN Người Việt Nam chúng ta vốn rất quen thuộc với khái niệm “Made in Japan”. Từ khi rơi vào vòng xoáy của cơn bão bút mực (mà chưa biết đâu là mắt bão để trú ẩn) tôi dần làm quen với khái niệm “Made in Germany”. Trước đó, cũng có một số sản phẩm và nhãn hiệu “Made in Germany” mà tôi biết như: xe tăng, ô tô, máy in, Adolf Hitler, Oliver Kahn, Claudia Schiffer… Nhật và Đức thực sự là hai cường quốc về chất lượng hoàn thiện sản phẩm. May mắn làm quen với cây bút Pilot ngòi liền từ hai mươi năm trước, và hiện tại là Lamy 2000, tôi nghĩ trong ngành bút viết, Nhật và Đức vẫn là hai tượng đài khó xô đổ.
Chất lượng hoàn thiện của Lamy 2000 thật đáng kinh ngạc, đặc biệt là phần khớp nối giữa thân bút và piston bơm mực. Ở khoảng cách 20cm, phần khớp nối gần như vô hình với mắt thường. Một người bạn quen dùng bút bi của tôi, sau khi viết thử Lamy 2000, thì trong đầu loay hoay với duy nhất một câu hỏi: “Làm sao để bơm mực?”. Tôi mới đùa rằng: “Viết hết mực thì bỏ luôn, chứ không bơm mực, giống cây bút bi của mày ấy!”. Nó không tin, vặn xoắn các kiểu một lúc mới phát hiện ra. Tim tôi như co thắt lại sau mỗi cú vặn xoắn của nó. Sau lần phát hiện đó, tôi có thêm một đồng bọn. Một thử nghiệm nho nhỏ giữa Lamy 2000 và Pelikan M200 như sau: cả hai cùng bơm mực xanh J.Herbin 1670, cùng mở nắp trong vòng 30 phút. Lamy 2000 cho nét mực đều từ chữ thứ 7 thứ 8 trở đi. Trong khi ở Pelikan M200 là từ chữ thứ 3 thứ 4. Chắc chắn, Lamy 2000 không phải là cây bút để nâng niu, bởi bản thân nó đã mang đến cảm giác “nồi đồng cối đá” ngay từ dáng vẻ bên ngoài. Là người có công việc liên quan chặt chẽ đến thiết kế và sáng tạo, tôi chọn Lamy 2000 không phải vì ba yếu tố vừa kể trên. Nghe hơi lạ. Tôi cũng thấy lạ với điều đó. Tôi đồng cảm với câu chuyện và tinh thần thiết kế đằng sau Lamy 2000 thì đúng hơn. Nó cho tôi bài học quý báu về nghề của mình, cho tôi thấy được mình đang ở đâu giữa những đồng nghiệp. Điều quan trọng là cho tôi “dấu chấm đầu tiên” để vẽ lên bức tranh toàn cảnh về dự án tôi đang theo đuổi. Tóm lại, dù ở thời điểm nào, Lamy 2000 không phải là cây bút bắt buộc phải có. Nhưng một khi đã cầm trên tay, bạn không muốn buông xuống nữa.